Các dự án vùng ven xây dựng giảm bớt dân số cơ học của TPHCM.
Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi mạnh trong năm 2015 và có khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2016. Tuy nhiên, nhìn toàn cục thì chưa thật sự vững chắc. Bởi sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn, phân khúc BĐS cao cấp tập trung ở khu vực phía đông, phía nam và phía Tây - Tây Bắc của TP.HCM. Trong khi đó thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền… đang là nhu cầu rất lớn của người có thu nhập trung bình.
TPHCM hiện có 1.409 dự án, trong đó có đến 190 dự án bị thu hồi, nhiều dự án không triển khai do vướng đền bù giải tỏa nên rất cần có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp sớm triển khai dự án. Còn tăng trưởng tín dụng vào thị trường BĐS TPHCM đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, lãi suất cho vay vẫn còn khá cao, phổ biến từ 10% - 11%/năm cần được giảm thêm nữa thì mới hợp lý, và cần có nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn cho BĐS với lãi suất ổn định.
Bên cạnh đó, chính sách cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước, cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại cũng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường BĐS theo hướng ngày càng minh bạch, cạnh tranh và bền vững. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước áp lực tăng dân số nhất là tăng dân số cơ học. Đây là vấn đề rất quan trọng cần được xem xét thỏa đáng, trước hết là tác động của quy mô dân số đến quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị và giải quyết nhà ở cho các tầng lớp nhân dân TP.
Tập trung xây dựng dự án vệ tinh
Sau Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có sự chuyển dịch các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, điều này theo ông Châu sẽ thu hút nhiều nguồn vốn để thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường BĐS ở TPHCM.
Theo TS Nguyễn Thị Thu - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Trước hết là phân khúc thị trường BĐS công nghiệp, nhà xưởng, phân khúc văn phòng, căn hộ cho thuê và căn hộ dịch vụ. Bên cạnh đó, chính sách cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước, cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại cũng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường BĐS theo hướng ngày càng minh bạch và bền vững. Để thực hiện các mục tiêu trên, vừa qua, TP đã bổ sung một chương trình đột phá quan trọng là “chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị”.
“Hiện nay các tỉnh giáp ranh TPHCM đang phát triển mạnh các dự án BĐS, hình thành nên các đô thị vệ tinh của TP như: Các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở huyện Đức Hòa, huyện Cần Giuộc, huyện Bến Lức tỉnh Long An, huyện Thuận An, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Những vệ tinh này góp phần tái cơ cấu dân cư và chia sẻ gánh nặng với TPHCM trong những năm tới”, ông Châu cho biết thêm.
Việc các ngân hàng thương mại đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp BĐS cung ứng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp và hỗ trợ người mua nhà là tín hiệu đáng mừng, tín dụng toàn ngành tăng khoảng 18%, cao hơn năm 2014. Riêng tại TPHCM tín dụng BĐS năm 2015 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt 5,5 tỷ USD bằng 38,69% cả nước, trong đó tỷ lệ kiều hối đầu tư vào lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 21,6%. Riêng TPHCM đã thu hút được nguồn vốn FDI khoảng 1.3 tỷ USD vào lĩnh vực BĐS.
Theo Đình Đu/Tiền phong
Đăng nhận xét