Theo kiến trúc sư Phạm Ngọc Thiên Ân, ngôn ngữ bản vẽ là loại ngôn ngữ thiết kế được sử dụng đồng loạt trên toàn thế giới. Ngay cả khi không cùng ngôn ngữ nói, nhưng khi nhìn vào bản vẽ, hầu hết kiến trúc sư trên thế giới đều hiểu ý nghĩa của bản vẽ như nhau. Vì vậy, việc đọc hiểu về các thành phần cơ bản của bản vẽ, là kiến thức căn bản để gia chủ có thể trao đổi với kiến trúc sư, hiểu được những điều kiến trúc sư muốn diễn đạt trong thiết kế kiến trúc, nhằm đảm bảo được sự hài lòng với ngôi nhà tương lai của mình.
Trong giai đoạn thiết kế sơ bộ, kiến trúc sư sẽ làm việc và trình bày với gia chủ các phần bản vẽ sau để đi đến thống nhất ý tưởng xây dựng nhà:
1. Bản vẽ mặt bằng các tầng
Sau khi tưởng tượng cắt bỏ đi phần trên của ngôi nhà (phần này thường cao 1 m so với cao độ tầng nhà đó), mặt bằng là hình chiếu phần còn lại của 1 tầng của ngôi nhà lên mặt phẳng. Phần mặt bằng dùng để bố trí các vật dụng và phân vùng phòng ốc, lối đi lại được bố trí trong phạm vi 1 tầng của ngôi nhà.
Ví dụ, mặt bằng tầng trệt là bản vẽ nhìn từ trên xuống bố trí các phòng và vật dụng trong tầng trệt của ngôi nhà, mặt bằng lầu 1 là bản vẽ nhìn từ trên xuống bố trí các phòng và vật dụng trong lầu 1 của ngôi nhà.
Bản vẽ mặt bằng các tầng. Ảnh: Không Gian Hoàn Hảo.
2. Bản vẽ các mặt đứng
Mặt đứng là hình chiếu thẳng góc thể hiện hình dáng bên ngoài của công trình. Nó thể hiện hình ảnh bố trí tổng thể của ngôi nhà nhìn theo góc độ thẳng trên từng mặt với các bố trí tổng quan bao gồm: cửa đi, cửa sổ, ban công, mỹ thuật đường nét và tính cân đối giữa kích thước chung và kích thước riêng của ngôi nhà. Tùy từng công trình thiết kế nhà đơn giản hay phức tạp, kiến trúc sư sẽ thể hiện số lượng bản vẽ mặt đứng nhiều hay ít để gia chủ dễ hình dung.
Bản vẽ các mặt đứng. Ảnh: Không Gian Hoàn Hảo.
3. Bản vẽ mặt cắt
Là hình thể hiện công trình thu được khi dựng các mặt phẳng quy ước cắt từ trên xuống ngang qua ngôi nhà (vuông góc thẳng đứng với mặt đất). Mặt cắt thể hiện không gian bên trong nhà, chiều cao nhà, số tầng, chiều cao các tầng, các lỗ cửa, kích thước tường, độ cao dầm, độ dày sàn, cấu tạo vì kèo, sàn mái, cầu thang, vị trí hình dáng chi tiết kiến trúc bên trong các phòng.
Bản vẽ mặt cắt. Ảnh: Không Gian Hoàn Hảo.
4. Bản vẽ phối cảnh
Là bản vẽ hình chiếu 3D của công trình giúp gia chủ hình dung được hình ảnh công trình trong thực tế theo cách quan sát thông thường chứ không phải theo ngôn ngữ kỹ thuật. Bản vẽ phối cảnh giúp chủ nhà hình dung công trình theo hướng trực quan sinh động với các chất liệu và màu sắc thực tế.
Bản vẽ phối cảnh. Ảnh: Không Gian Hoàn Hảo.
Thi Trân/ Vnexpress.net
Đăng nhận xét